Ảnh minh họa |
Luật này cho phép FDA tập trung nhiều vào việc ngăn ngừa các vấn đề an toàn thực phẩm hơn là phản ứng sau khi các vấn đề xảy ra. Chính vì vậy, FSMA ra đời nhằm quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn của thực phẩm thông qua phòng ngừa mọi rủi ro liên quan đến vệ sinh, an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dán nhãn, đóng gói, vận chuyển và đưa ra sản phẩm ra thị trường chứ không đơn thuần chỉ kiểm tra sản phẩm cuối cùng tại cảng đến trên lãnh thổ Mỹ như trước. Trách nhiệm được chia sẻ cho tất cả mọi người, từ các nhà bán lẻ, nhà phân phối, nhà nhập khẩu và các nhà cung ứng nước ngoài.
Một trong những quy định của FDA mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần quan tâm để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu không bị gián đoạn đối với mặt hàng nông sản và thực phẩm sang Mỹ, đó là Chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài (FSVP) của FDA. Theo đó, nhà nhập khẩu tại Mỹ phải xây dựng các chương trình để xác nhận sự an toàn của tất cả các chuyến hàng nhập vào Mỹ, bằng các chứng nhận an toàn cho mỗi chuyến hàng, theo các quy định mới về các lô hàng đến cảng Mỹ từ ngày 30/5/2017. Các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm nước ngoài sẽ phải xây dựng và triển khai Chương trình hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay tại cơ sở sản xuất của mình, và đồng thời cung cấp cho các nhà nhập khẩu các tài liệu của chương trình này để FDA có thể tiến hành thanh kiểm tra khi cần. Với các cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm nước ngoài có quy mô nhỏ (số lượng nhân viên toàn thời gian dưới 500 người) thì thời gian áp dụng chính thức của Chương trình FSVP bắt đầu từ ngày 19/3/2018.
Các nhà nhập khẩu được quy định trong FSVP phải đưa ra các chương trình kiểm định của nhà cung cấp nước ngoài để xác minh rằng các nhà cung cấp nước ngoài đang sản xuất và chế biến thực phẩm theo đúng quy trình và phương thức để đảm bảo bảo vệ sức khoẻ cộng đồng như những yêu cầu theo các biện pháp phòng ngừa (thức ăn cho người và thức ăn chăn nuôi) hoặc tạo ra các quy định an toàn, nếu thích hợp, và đảm bảo rằng thực phẩm của nhà cung cấp không bị pha trộn và không bị đánh nhãn sai đối với việc ghi nhãn có chất gây dị ứng.
Theo FSVP, các nhà nhập khẩu Mỹ chịu trách nhiệm về các hành động bao gồm:
Thứ nhất, xác định các mối nguy có thể đoán trước được hoặc đã biết với từng thực phẩm. Đó là các mối nguy về sinh học, hóa học, vật lý, là các mối nguy gây ra bệnh hoặc thương tích xảy ra tự nhiên, hoặc xảy ra vô tình hay cố ý để đạt được lợi ích kinh tế, như thay thế một thành phần rẻ tiền hơn.
Thứ hai, đánh giá rủi ro của thực phẩm, dựa trên phân tích mối nguy, và việc thực hiện của các nhà cung cấp an toàn.
Thứ ba, sử dụng đánh giá rủi ro của các thực phẩm nhập khẩu, và việc thực hiện của các nhà cung cấp để chấp thuận nhà cung cấp.
Thứ tư, xác minh nhà cung cấp phù hợp.
Thứ năm, thực hiện các hoạt động khắc phục.
Như vậy, với Chương trình FSVP này, FDA sẽ ngăn chặn việc đưa vào thị trường Mỹ các thực phẩm bị pha trộn (do bị nhiễm bẩn vi khuẩn và hoá học, ôi thiu hoặc phân huỷ, hoặc có chưa một phụ gia không an toàn, được chuẩn bị, đóng gói và bảo quản trong điều kiện không vệ sinh, và thay các nguyên liệu giá trị bằng các nguyên liệu kém khác) hoặc bị nhầm lẫn trên bao bì (do không công bố các thành phần nhất định hoặc các chất gây dị ứng thực phẩm chính, và không tuân thủ các thông tin dinh dưỡng trên bao bì). Công cụ này cho phép FDA loại bỏ hiệu quả các thực phẩm không đảm bảo khỏi kênh phân phối.
Với việc áp dụng Chương trình cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thì tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống của Việt Nam vào thị trường Mỹ cần cập nhật và triển khai thực hiện kịp thời việc xây dựng các chương trình hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (chi tiết về chương trình có tại: http://vietnam-ustrade.org/index.php?f=news&do=detail&id=716&lang=vietnamese) để cung cấp cho các nhà nhập khẩu và trong trường hợp FDA tiến hành kiểm tra tại cơ sở, tránh để sản phẩm bị ách lại do không đáp ứng quy định mới của phía Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Nguồn Báo Công thương điện tử