CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Quy tắc xuất xứ hàng hóa - Chìa khóa nâng cao kim ngạch xuất khẩu

Với việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho DN. Đây là chia sẻ của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.  

Ông có thể cho biết về ưu điểm cũng như tầm quan trọng của việc áp dụng quy tắc xuất xứ (QTXX) cho sản phẩm xuất khẩu (XK)? 

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA. Để được hưởng ưu đãi từ những FTA đó, điều kiện tiên quyết là phải chứng minh được xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, một DN ôtô Việt Nam muốn được hưởng thuế suất 0% khi XK sang các nước ASEAN, sản phẩm phải có 40% linh kiện có xuất xứ tại Việt Nam. Việc chứng minh xuất xứ hàng hóa có tác dụng khuyến khích các nước trong cùng một FTA nỗ lực nội địa hóa để trao đổi thương mại nhiều hơn. 

Hoạt động chứng minh xuất xứ hàng hóa của các DN Việt Nam thời gian qua diễn ra như thế nào, thưa ông?

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký các FTA với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Chilê, New Zealand… việc chứng minh xuất xứ hàng hóa ngày càng được DN Việt Nam quan tâm hơn. 

Hiện nay, số DN sử dụng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất là FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP)… Những ngành có tỷ lệ tận dụng cao gồm dệt may, da giày… Đây cũng là những mặt hàng nước ta có thế mạnh XK đến nhiều thị trường với kim ngạch rất cao.

Có một thực tế, nước ta đã tham gia rất nhiều các FTA. Mỗi FTA lại yêu cầu chứng minh xuất xứ hàng hóa khác nhau, điều này khiến nhiều DN e ngại. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Khi Việt Nam tham gia các FTA, có FTA yêu cầu chứng minh xuất xứ linh hoạt, có FTA đòi hỏi chặt chẽ hơn. Nhưng tất cả FTA hiện nay đều dựa trên nền tảng chung của WTO và việc chứng minh xuất xứ hàng hóa chỉ có những khác biệt tương đối nhỏ. Một khi DN quen với QTXX của một hiệp định nào đó, họ sẽ nắm bắt điều này ở các hiệp định khác khá dễ dàng. 

DN ngại xin xuất xứ hàng hóa có nguyên nhân từ việc thủ tục tương đối phức tạp. Vậy DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có được không? Hoạt động này đang được triển khai như thế nào?

Giống như các thủ tục hành chính (TTHC) khác, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một TTHC, đòi hỏi DN phải bỏ ra thời gian và chi phí làm thủ tục. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có nhiều cải cách trong cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Điển hình như việc tham Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. 100% giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của ASEAN đã được Bộ Công Thương đưa lên thành dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và sẽ đưa lên cấp độ 4 trong thời gian tới. 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng ban hành các thông tư hướng dẫn, nhưng hiện nay DN chưa tham gia nhiều. Nguyên nhân có thể do DN chưa hiểu hết những lợi ích, hoặc có thể có các vướng mắc quy định từ ASEAN và Bộ Công Thương đang tập trung tháo gỡ.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo điều kiện ra sao cho DN muốn tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa?

Ngày 6/12, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Với thông tư này, việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong ASEAN thời gian tới sẽ rất thuận lợi. Ví dụ, DN nhỏ cũng có thể tham gia tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và không có đòi hỏi nào mang tính chất đặt điều kiện mà DN không thể đáp ứng được. Việc này giúp DN có thể làm quen với một phương thức mới, đem lại lợi ích trực tiếp cho DN. 

Xin cảm ơn ông!

Theo phản ánh của một số DN, việc khai nộp hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa trực tuyến giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục từ 4 - 16 tiếng xuống chỉ còn 1 - 2 tiếng, tạo lợi thế thương mại không nhỏ.

Nguồn: Báo Công thương