CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Hội thảo chính sách thương mại của EU đóng góp thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam
        Ngày 19 tháng 6 năm 2014, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư Châu ÂU (EU-MUTRAP) phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo “Đóng góp của chính sách thương mại của EU vào thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam” tại tòa nhà VCCI, Đào Duy Anh, Hà Nội. Đến dự Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ các Bộ ngành; đại biểu Phái Đoàn EU và một số Lãnh sự quán trên địa bàn Hà Nội; và các cán bộ, sinh viên trường Đại học Ngoại thương.

        Chính sách thương mại của Liên minh Châu Âu - thị trường xuất khẩu hàng đầu thế giới - luôn là mối quan tâm của rất nhiều nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Căn cứ vào mối quan tâm, lợi ích kinh tế chính trị của khối trong từng giai đoạn, chính sách này được cập nhật và điều chỉnh theo định kỳ. Bên cạnh việc sửa đổi các chính sách cho phù hợp với tình hình, EU còn rất chú trọng tới việc phổ biến thông tin về chính sách mới cũng như hỗ trợ thúc đẩy thương mại hai chiều với đối tác. Do vậy, các biện pháp chính sách cũng như những hỗ trợ thương mại EU luôn hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích cho chính mình và nước đối tác.
          Hội thảo đã giúp người tham dự có thông tin tổng quát về các chính sách và định hướng thương mại của EU như Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), chính sách thương mại và đầu tư song phương/khu vực cũng như các chính sách thương mại và đầu tư một chiều từ EU. Ví dụ như: quy chế GSP của EU đưa ra ba mức độ ưu đãi thuế quan (90 nước được hưởng lợi) nhưng cuối năm 2012, Ủy ban EC thông báo Việt Nam không qua được kiểm tra tính dễ bị  tổn thương dựa trên thành tựu xuất khẩu trước đó và không đủ điều kiện để hưởng ưu đãi GSP+ (quy chế tăng cường ưu đãi cho các nước đã phê chuẩn và thực thi các công ước về quyền con người và lao động, môi trường và quản trị tốt). Điều này có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ bất lợi hơn so với xuất khẩu từ các nước hưởng lợi từ GSP+, các nước kém phát triển (9 nước châu Á) hưởng lợi từ EBA và các nước đã ký FTA với EU.

Ngoài ra, thông qua Hội thảo, người tham dự cũng có cơ hội cùng tham gia trao đổi về ảnh hưởng của các chính sách đó đối với kinh tế Việt Nam, từ đó, các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng có thể nhìn nhận và tiếp cận để tận dụng các công cụ hỗ trợ thương mại này.
Tuy nhiên, điểm hạn chế trong Hội thảo này là sự thiếu quan tâm từ phía doanh nghiệp - đối tượng được hưởng lợi chính từ việc tiếp nhận những thông tin hữu ích này, thể hiện ở việc tham dự của Doanh nghiệp tại Hội thảo này gần như là không có. Chính vì vậy, việc trông đợi sự phản hồi từ đối tượng thụ hưởng chính để đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm trong những hoạt động hỗ trợ tiếp theo là không đạt được theo mục tiêu ban đầu Hội thảo đã đề ra./.
 Nguồn TBTVN