CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Cảnh báo sớm giảm rủi ro trong phòng vệ thương mại
Những tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023. Đi đôi với đó là nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) gia tăng. Trước xu hướng bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam ngày càng đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra PVTM từ nước ngoài. Bên cạnh đó, các vụ việc PVTM trước đây chủ yếu tập trung vào chống bán phá giá, chống trợ cấp tự vệ nhưng gần đây việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM ngày càng nhiều hơn. Xu hướng điều tra PVTM đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng mở rộng sang các nước đang phát triển cũng như các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó, danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ được tăng cường cập nhật. Mới đây, Cục PVTM đưa ra cảnh báo sớm nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam. Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Cục PVTM cho biết, tuy hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không bị điều tra, nhưng có một số bằng chứng cho thấy tồn tại hoạt động giao dịch xuất khẩu giữa nhà xuất khẩu của Việt Nam và nhà nhập khẩu tại Canada. Do vậy, không loạt trừ khả năng Canada tiến hành các cuộc điều tra nhằm mở rộng phạm vi sản phẩm/điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM hoặc khởi xướng các vụ việc PVTM mới với mặt hàng tương tự của Việt Nam. Do vậy, để kịp thời ứng phó với các vụ việc PVTM có thể xảy ra trong tương lai, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu đinh ốc carbon sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS sau: 7318.11, 7318.12, 7318.14, và 7318.15), chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc PVTM; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra PVTM của Canada. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng như gỗ, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghiệp chế tạo sang Hoa Kỳ, EU... có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM và lẩn tránh biện pháp PVTM cũng được thông tin cảnh báo sớm. Kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh Thông qua công tác cảnh báo sớm, các doanh nghiệp đã được cung cấp thông tin, giúp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài. Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở tất cả các nước, kiện PVTM là một quy trình pháp lý, đấu tranh về mặt kỹ thuật rất phức tạp. Qua theo dõi phần lớn các trường hợp kháng kiện chưa hiệu quả xuất phát từ việc bị động, thời gian chuẩn bị quá ngắn và bất ngờ trong việc ứng phó với những vụ kiện. Cũng theo bà Nguyễn Thu Trang, cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp biết nguy cơ từ sớm và có sự chuẩn bị từ khi mới chỉ bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện chuẩn bị, giảm thiểu được thiệt hại. Bởi trong những vụ việc chúng ta đứng ở tâm thế tự vệ, và làm sao phải giảm thiểu tối đa thiệt hại. Khả năng phòng tránh thì khó, nhưng nếu có sự điều chỉnh thích hợp như: mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, giảm bớt độ nóng, sức ép của việc gia tăng quá mạnh xuất khẩu hàng hóa sang một thị trường,… cũng có thể là một cách thức để tránh được nguy cơ. Cảnh báo sớm cũng giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ việc PVTM nếu có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược sản xuất, xuất khẩu.
(haiquanonline.com.vn)
|