CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Thị trường AEC đã rộng mở cho hàng Việt?
Kết quả hình ảnh cho Thị trường AEC đã rộng mở cho hàng Việt?   Một đoàn doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tham gia Hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ tại Thái Lan với mong muốn thâm nhập sâu thị trường khu vực. Thời gian qua, hàng hoá từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào Việt Nam đã nhiều. Cửa đã rộng mở để hàng Việt vào thị trường AEC? Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy AEC hiện là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 3 cho Việt Nam với kim ngạch trong nửa đầu năm nay đạt 13,58 tỷ USD, tăng 17,7% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 13,5%… 
   Trong khi đó, xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường AEC trong 6 tháng 2017 đã đạt kim ngạch 10,35 tỷ USD, tăng 27,1% so cùng kỳ năm ngoái. Nhưng bản báo cáo không nói rõ có bao nhiêu phần trăm hàng Việt trong tổng số kim ngạch này.
“Mang chuông đi đánh xứ người” 
   ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, đứng sau Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo đánh giá, mức kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này được cho là vẫn chưa tương xứng với tiềm năng rất lớn.
   Mới đây, nhằm tiếp cận sâu vào AEC thông qua việc kết nối trực tiếp với các nhà phân phối, nhà nhập khẩu, một nhóm doanh nghiệp (DN) thuộc Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) với sự uỷ nhiệm của Bộ Công Thương đã sang Thái Lan để tham dự, tổ chức gian hàng có quy mô lớn tại Hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ (diễn ra từ ngày 2 đến 5/8/2017). Đó là các DN dẫn đầu các ngành thực phẩm (sản phẩm từ sữa, cacao, thực phẩm chế biến, lương thực..) như Vinamilk, Vinamit, Cỏ May, Bích Chi, ca cao Việt Nam) và phi thực phẩm (gốm sứ, văn phòng phẩm, da giày, đồ nhựa, điện chiếu sáng…) với các DN Minh Long, Thiên Long, Điện Quang, Qui Phúc, Biti’s. 
   Ngoài ra, còn có gian hàng của các DN ở Đồng bằng sông Cửu Long với một số mặt hàng tiêu biểu (mặt nạ dừa, sen sấy khô, khăn choàng, mắm, khổ qua rừng, bưởi da xanh…). 
Nhiều DN Việt đã gặp gỡ những đơn vị là các nhà phân phối hàng đầu trong khu vực và nhất là tại Thái Lan, như Berli Jucker Public Co. Ltd – Chủ chuỗi Big C Thái Lan; CP ALL Public Company Limited – Hệ thống cửa hàng tiện lợi 7eleven; Fresh Mart International Public Company Limited – sở hữu khoảng 200 cửa hàng tiện lợi FreshMart; Ek-Chai Distribution System Co., Ltd… để cùng bàn thảo những kế hoạch dài hạn cho tương lai.
Các DN Việt được nhiều đối tác trong khu vực quan tâm và tỏ ra hứng thú khi biết về DN cũng như sản phẩm của Minh Long, Thiên Long, Điện Quang, Qui Phúc, Biti’s, Nam Long, Lương Qưới, Thiên Hương, Công Bình, Cửu Long, Khởi Minh Thành Công, Hương Đồng Tháp, Cỏ May, Hồ Quang, Vinamit, Bích Chi… 
   Bà Phan Thị Hồng Trâm, Quản lý bán hàng quốc tế của Vinamit, chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp được khá nhiều đối tác. Trong đó có BJC và Central, hai chuỗi bán lẻ mà chúng tôi quan tâm nhất tại thị trường Thái Lan. Riêng đối với BJC – chủ hệ thống BigC Thái Lan, hệ thống Mega tại Việt Nam họ đã có hàng Vinamit, và họ mong muốn tập trung hoá đơn hàng lớn từ cả Việt Nam lẫn Thái Lan. Điều này giúp tạo hiệu quả hơn về mặt giá – hậu cần”. 
“Gieo hạt giống”
   Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam, cho biết nhiều DN Thái đang có chủ trương tìm kiếm và nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ Việt Nam vào thị trường Thái. Kể cả người dân Thái cũng rất thích các sản phẩm đến từ Việt Nam. Việc nhiều DN Việt tham gia hội chợ quốc tế ASEAN chính là cơ hội để DN Thái tìm kiếm sự hợp tác, hứa hẹn nhiều sản phẩm Việt Nam sẽ được đưa đến người tiêu dùng Thái và ASEAN trong tương lai. 
   DN Bích Chi cho rằng hoàn toàn bất ngờ khi tìm ra được thị trường mới là Ấn Độ: “Sản phẩm của chúng tôi đã có mặt tại Thái Lan. Đến với chương trình lần này, tâm thế của Bích Chi là muốn tìm thêm nhiều khách hàng mới tại Thái Lan. Nhưng không ngờ, chúng tôi tìm ra được thị trường mới là Ấn Độ. 
“Đến thời điểm hiện tại đã có 2 DN Ấn Độ gặp gỡ và đặt hàng. Có một DN đã đặt vấn đề đặt 4 công hàng cho họ đối với sản phẩm bánh tráng, bánh phồng tôm”. Bà Bùi Thị Ngọc Tuyền – Phó Trưởng Phòng Xuất Nhập Khẩu của công ty, chia sẻ thêm rằng DN Ấn Độ này trước đây đã mua của thị trường Trung Quốc nhưng giờ muốn chuyển sang mua của Việt Nam.
   Theo nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, hàng Việt hiện có một số sản phẩm nông nghiệp nổi bật hơn so với các quốc gia trong AEC. Chẳng hạn như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sữa cho đến trái cây sấy, những sản phẩm chế biến từ dừa, rau quả và đặc biệt là gạo hữu cơ. 
Bà Hạnh cho rằng trong thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam, vấn đề sản phẩm xuất khẩu vào AEC là phải tăng hàm lượng về công nghệ vào, đưa sức mạnh công nghệ vào các tài sản bản địa. Hơn nữa, hàng Việt vào thị trường này còn cần những sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Đây là những tài sản bản địa lớn mà chúng ta chưa có hệ thống quản lý đồng bộ. 
   Nói kinh nghiệm thâm nhập thị trường AEC, đại diện công ty Thiên Long, ông Lê Nhật Quý Thiệu – nhân viên phát triển thị trường đang làm tại Thái Lan cho biết: Trong AEC, Thiên Long làm thị trường theo hai “mảng miếng” khác nhau. Thứ nhất, làm thị trường theo kiểu “gieo hạt gống”, Thiên Long đi vào những thị trường mới nổi, như Campuchia, Myanmar, đầu tư vào khi thị trường chưa phát triển để lấy thị phần, danh tiếng.
Thứ hai, đối với thị trường kiểu như “con bò sữa”, đây là những thị trường có dân số đông, mức tiêu dùng tương đối như Philippines, Thái Lan. Trong AEC, còn một dạng thị trường nữa có phân khúc khá cao là Malaysia, Singapore. Tại hai quốc gia này, Thiên Long đã vào được, đó là sự khẳng định thương hiệu Thiên Long so với khu vực ASEAN. 
   Có thể thấy, như những gì mà đoàn DN thuộc Hội DN HVNCLC gặt hái được từ Hội chợ quốc tế ASEAN – Ấn Độ là những tín hiệu lạc quan để hàng Việt “sáng cửa” khi thâm nhập sâu vào thị trường AEC. Nếu chịu khó “gieo hạt giống” và làm đúng cách thì việc xuất khẩu của hàng Việt sẽ không khó như mọi người tưởng.
Nguồn: thoibaokinhdoanh.vn