CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Hiệu ứng của “phép trừ”
Kết quả hình ảnh cho Hiệu ứng của “phép trừ”
   Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống và tuyên bố Mỹ từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các nước thành viên còn lại của hiệp định này đã phải làm một “phép trừ” bất đắc dĩ là thúc đẩy phiên bản “TPP-1” (TPP không có Mỹ). Với sự nỗ lực của 11 thành viên còn lại trong TPP, hiệp định này đang có triển vọng được tái sinh và “đi vào cuộc sống” trong thời gian tới. Một phiên họp bàn về tương lai TPP vừa diễn ra ở Australia đang thắp thêm hy vọng cho việc thực thi TPP. Quyết định của chính quyền Tổng thống Trump cách đây ít lâu đã gây thất vọng cho các nước thành viên TPP về một hiệp định tự do thế hệ mới sẽ mang lại phồn vinh, thịnh vượng cho nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPP vốn được 12 nước (gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam) chiếm tới 40% sản lượng kinh tế thế giới ký tháng 2-2016. Tuy nhiên, theo quy định trong TPP, thỏa thuận thương mại này chỉ có thể có hiệu lực khi được ít nhất sáu nước chiếm tổng cộng 85% sản lượng kinh tế của 12 nước ban đầu phê chuẩn. Bởi vậy, một khi Mỹ, quốc gia chiếm tới 60% tổng số sản lượng, rời bỏ "sân chơi" thì thỏa thuận không thể có hiệu lực. Do vậy, nội dung TPP cần phải được điều chỉnh lại cho phù hợp và là vấn đề cần thảo luận giữa 11 nước còn lại.Ðể giải bài toán "TPP-1" ra một kết quả khả quan cho các thành viên còn lại, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn trong TPP như Australia, Mexico, New Zealand... đã nỗ lực không ngừng trong gần một năm qua. Trong cuộc họp lần này ở Australia kéo dài từ ngày 28 đến 30-8, lãnh đạo các nước tham gia TPP mong muốn thống nhất đưa hiệp định này sớm có hiệu lực tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới tại Việt Nam. Trưởng đoàn đàm phán nước chủ nhà Australia G.Brao cho rằng, từ nay tới thời điểm đó vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, song Australia cam kết hợp tác với tất cả các nước tham gia TPP hiện nay để sớm đạt được một thỏa hiệp phù hợp lợi ích chung của tất cả các nước. Trong ba ngày, các nhà đàm phán 11 nước đã tiến hành nhiều phiên thảo luận nhằm tìm cách sửa đổi văn bản gốc của hiệp định TPP cho phù hợp tình hình mới và nhất trí nhóm họp trở lại tại Nhật Bản vào tháng 9 tới. Lãnh đạo các nền kinh tế lớn khác trong TPP như Nhật Bản, Mexico, New Zealand... đều bày tỏ quyết tâm phối hợp chặt chẽ để TPP được thực thi giữa 11 quốc gia đã ký. Trong cuộc họp tháng 7 tại Tokyo, Nhật Bản, các nước tham gia đàm phán TPP đã nhất trí thực hiện phương châm "bình cũ rượu mới" nhằm đưa thỏa thuận này đi vào hiệu lực theo một khuôn khổ mới. Trước đó, phía Nhật Bản đã thảo luận song phương với các đối tác Việt Nam, Peru, Mexico để giải thích về lập trường của Tokyo nhằm đạt sự đồng thuận về cách thức duy trì sự tồn tại của hiệp định. Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara từng cam kết rằng Tokyo sẽ đóng vai trò đi đầu trong việc đưa ra đường hướng rõ ràng cho TPP. Theo ông Ishiharaa, TPP không những mang lại lợi ích về kinh tế mà còn có tầm quan trọng chiến lược. Tại cuộc thảo luận với Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay tại Australia, lãnh đạo hai nước nhất trí "đồng tâm hiệp lực" để các đối tác đạt được một thỏa thuận mới trước tháng 11 năm nay.Bất chấp việc Mỹ không tham gia TPP, các nước thành viên TPP còn lại vẫn quyết tâm thúc đẩy để đưa hiệp định đi vào cuộc sống bởi nhận thấy những lợi ích to lớn từ hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này. Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo hôm 28-8 nhấn mạnh rằng, việc TPP chính thức có hiệu lực sẽ góp phần kết nối 11 nước, trong đó có bốn trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 9.800 tỷ USD. Ðồng thời, TPP sẽ mang lại nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa các nước, trong đó có ba FTA lần lượt giữa Australia với Canada, Mexico và Peru. Ngoài ra, TPP mang lại cơ hội tiếp cận những thị trường mới cho các nhà xuất khẩu, cung cấp dịch vụ, nông nghiệp; định hướng cho thương mại và đầu tư trong khu vực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cũng như tạo thêm việc làm mới cho người dân... Bộ trưởng Thương mại Australia cho biết, Australia có tỷ trọng xuất khẩu chiếm tới 1,4% trong tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 2,4% của cả năm 2016. Chính phủ của Thủ tướng Malcolm Turnbull luôn cam kết thúc đẩy thương mại, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Australia thông qua các thỏa thuận như TPP. Giới phân tích cho rằng với quyết tâm cao của các nước thành viên, "TPP-1" có triển vọng được hiện thực hóa. Theo đó, bài toán "TPP-1" dù khó khăn, song nếu được 11 thành viên TPP đồng lòng nhất trí, sẽ vẫn mang lại một kết quả khả quan. Ðây cũng là lý do mà gần đây một số chuyên gia kinh tế nhận định rằng, rất có thể một lúc nào đó, nước Mỹ sẽ phải "nghĩ lại" và tham gia TPP với tư cách của "người đến sau". 
Nguồn: Báo Nhân dân