CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Nông sản rõ nguồn gốc, đa dạng kênh phân phối
Từ chính sách hỗ trợ của tỉnh Bắc Giang, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, đưa thành quả lao động lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Nhờ đó, sản phẩm được người dân tin dùng, từng bước khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Thuận đầu ra

HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh được thành lập từ tháng 12/2016 trên cơ sở tập hợp các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn hai xã: Danh Thắng và Lương Phong (cùng huyện Hiệp Hoà). Ngay từ những ngày đầu, HTX xác định sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp xanh nên không sử dụng bất cứ chế phẩm công nghiệp nào trộn vào thức ăn mà tự sản xuất theo công thức riêng, thành phần có thêm 9 loại thảo dược, giúp lợn tăng sức đề kháng. Thấy thịt lợn có chất lượng tốt, thị trường bắt đầu đón nhận, tháng 5/2019, HTX mở thêm khâu giết mổ, chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị. 

Không dừng lại ở đó, đầu năm 2020, đơn vị dành kinh phí xây dựng tem TXNG cho các sản phẩm. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn chế nên thông tin trên tem đơn điệu, không rõ toàn bộ quy trình sản xuất. Để khắc phục, mới đây, từ nguồn ngân sách tỉnh, HTX được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng tem TXNG mới với nhiều thông tin hơn. Chỉ cần điện thoại thông minh quét mã sản phẩm, khách hàng có thể biết được thời điểm tem được kích hoạt, ngày sản xuất, hộ cung cấp thịt, sản phẩm được chứng nhận OCOP mấy sao, cách bảo quản cũng như khuyến cáo khi sử dụng. Đặc biệt, thông tin về nguồn gốc cũng như quy trình chăn nuôi lợn để cung cấp thịt chế biến cũng được hiển thị đầy đủ (trước đây không có - PV). “Hằng ngày căn cứ vào lượng sản phẩm chế biến, chúng tôi sẽ cập nhật các thông tin về sản phẩm rồi trực tiếp in tem. Điều này vừa giúp HTX chủ động, vừa có thể quản lý đến từng sản phẩm”, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh chia sẻ.

Tỉnh bắc Giang, nông sảnn rõ nguồn gốc, đa dạng, kênh phân phối, hợp tác xã, lao động

Thành viên HTX Nông nghiệp và phát triển đa ngành Hưng Vượng đóng giống nấm sò.

Toàn tỉnh hiện có 644 HTX nông nghiệp (chiếm 64,8% số HTX) với tổng vốn điều lệ hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Những năm qua, các HTX nông nghiệp đã khẳng định được hướng đi của mình, chuyển dịch theo hướng đa dạng hoá các ngành nghề, dịch vụ, sản xuất theo hướng sản phẩm sạch, theo chuỗi và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhiều đơn vị quan tâm xây dựng tem TXNG, quảng bá sản phẩm lên các sàn TMĐT. 

Điển hình, từ 15 triệu đồng hỗ trợ, đến nay HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc, xã Tăng Tiến (Việt Yên) đã xây dựng thành công website TMĐT. Từ các thông tin trên website, khách hàng biết đến các sản phẩm nhiều hơn, kênh phân phối cũng rộng mở hơn. Đến nay, hai sản phẩm OCOP của HTX là: Bánh chưng Hạnh Phúc và Trà gạo lứt sâm Nam của HTX đã được bán trên Shopee.vn cũng như hệ thống bán lẻ của các siêu thị: Winmart, Winmart+, Co.opmart và hệ thống siêu thị AEON (Nhật Bản). Tương tự, từ 40 triệu đồng hỗ trợ, các loại nấm của HTX Nông nghiệp và phát triển đa ngành Hưng Vượng, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) đã được gắn tem TXNG và xuất hiện trên sàn TMĐT. Anh Đồng Văn Hiệp, Giám đốc HTX nói: “Có tem TXNG, bao bì đẹp, sản phẩm của chúng tôi được nhiều người biết hơn, giá bán cũng tăng 20%. Vừa rồi có một số siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại liên hệ để đưa sản phẩm vào bày bán song tôi đang cân nhắc bởi số lượng chưa đủ cung ứng”.

Đồng hành đưa sản phẩm đi xa

Thực tế cho thấy, khi đời sống người dân ngày càng nâng lên thì đòi hỏi chất lượng, nguồn gốc sản phẩm khắt khe hơn. Đáp ứng yêu cầu này, nhiều HTX nông nghiệp nhạy bén, quan tâm đầu tư xây quy trình sản xuất khép kín, thực hiện truy xuất đến các khâu và chủ động tìm kiếm, mở rộng các kênh phân phối hiện đại. 

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 644 HTX nông nghiệp (chiếm 64,8% số HTX) với tổng vốn điều lệ hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp, năm nay, UBND tỉnh dành hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ các HTX thực hiện các nội dung: Tập trung đất đai; xuất xứ hàng hoá, TXNG; đào tạo nguồn nhân lực; thu hút lao động có chất lượng về làm việc và xây dựng website TMĐT.

Theo một số HTX, để có chỗ đứng trên các sàn TMĐT, ngoài việc cải tiến chất lượng, mẫu mã, HTX cần thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư, hoàn chỉnh tem TXNG. Mặc dù vậy, do chất lượng nguồn nhân lực của các HTX còn hạn chế, lao động có trình độ, khả năng công nghệ thông tin còn yếu, thiếu nên việc sử dụng phần mềm TXNG, đưa thông tin lên mạng, giao tiếp với khách hàng còn hạn chế. “Dù đã xuất hiện trên sàn TMĐT song toàn bộ các mặt hàng của chúng tôi vẫn tiêu thụ thông qua các thương nhân. Nguyên nhân là do phần lớn thành viên HTX đã lớn tuổi, việc cập nhật công nghệ hạn chế”, anh Đồng Văn Hiệp cho biết thêm.

Tháo gỡ khó khăn cho HTX nông nghiệp, từ nguồn ngân sách, năm nay, UBND tỉnh dành hơn 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ các các HTX thực hiện các nội dung: Tập trung đất đai; xuất xứ hàng hoá, TXNG; đào tạo nguồn nhân lực; thu hút lao động có chất lượng về làm việc và xây dựng website TMĐT. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các cơ quan chuyên môn quan tâm hướng dẫn các chủ thể xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu. Với trách nhiệm của mình, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên về cơ sở, thực hiện “cầm tay chỉ việc” đối với từng HTX, kịp thời hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các thủ tục nhận hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nói: “Việc hỗ trợ chỉ là “vốn mồi” giúp các HTX có động lực xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp tem, website. Để có chỗ đứng trên thị trường, các chủ thể cần linh động, kịp thời nắm bắt xu thế, từ đó có đầu tư xứng tầm".

baobacgiang.com.vn