CHI CỤC TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
Nền tảng về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng của Việt Nam thuộc Top đầu ASEAN

   Trong những năm vừa qua nhờ có những chương trình như Chương trình 712, nền tảng về TCĐLCL được nâng lên rõ rệt và được xếp vào top đầu của ASEAN. Hàng hóa của Việt Nam cũng được chấp nhận dễ dàng hơn trên thị trường quốc tế.

   Tại Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Trần Văn Vinh cho biết, trong những năm vừa qua nhờ có những chương trình như Chương trình 712, nền tảng về TCĐLCL nâng lên rõ rệt và được xếp vào top đầu của ASEAN. Hàng hóa của Việt Nam cũng được chấp nhận dễ dàng hơn trên thị trường quốc tế.

 

Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh phát biểu tại hội nghị.

   Năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa tiếp tục được đầu tư tăng cường; mạng lưới các tổ chức đánh giá sự phù hợp ngày càng phát triển, hướng tới đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy sự thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia, giúp thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 863 tổ chức thử nghiệm, 77 tổ chức chứng nhận, 192 tổ chức giám định và 265 tổ chức kiểm định.

   Chương trình 712 đã tạo ra một phong trào tăng năng suất chất lượng một cách bền vững qua việc áp dụng các Hệ thống quản lý chất lượng, công cụ quản lý tiên tiến giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản lý công nghệ của doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nguyên, nhiên vật liệu, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp.

   Đến nay, hệ thống tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam ngày càng phát triển với trên 11.500 TCVN, hơn 780 Quy chuẩn kỹ thuật và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt 54%. Hệ thống này góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người và môi trường, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.

   Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh, Chương trình cần phải triển khai tích cực nữa vì trong thời gian tới khối lượng doanh nghiệp đang phát triển với tốc độ rất lớn. Theo thống kê của VCCI, chỉ tính trong tháng 9/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 11.787 doanh nghiệp. Sự phát triển của khối doanh nghiệp đặt ra nhu cầu về đào tạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao NSCL… Chính vì vậy, Chương trình cần tiếp tục triển khai để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới tiếp tục được tiếp cận với Chương trình này.

   Ông Vinh cũng nêu lên thực tế, nhà nước và doanh nghiệp đã quan tâm đến năng suất nhưng thực tế cơ chế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. “Có rất nhiều doanh nghiệp theo cách quan hệ ngoại giao vẫn bán được hàng hóa. Do vậy bài toán năng suất chưa phải là chìa khóa cuối cùng. Khi Việt Nam hội nhập hoàn toàn tất cả các vấn đề được cởi mở, minh bạch rõ ràng, chất lượng lên ngôi lúc đó vấn đề năng suất mới thực sự hiệu quả với doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Về vấn đề các doanh nghiệp chưa mặn mà, ông Vinh cho biết có vai trò và chất lượng của đội ngũ chuyên gia. Vì thế, việc giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ về Chương trình còn hạn chế, sự tiếp cận của lãnh đạo doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn… Việc đưa NSCL vào hệ thống giáo dục các trường ĐH, cao đẳng được xem như tạo bước đệm về nhận thức cho những lãnh đạo doanh nghiệp trong tương lai. “Đây là bài toán dài hạn”, ông Vinh nói.

   Các Bộ, ngành trên cơ sở của Chương trình thời gian tới sẽ triển khai đề án của riêng đặc thù mỗi bộ ngành thì tính hiệu quả của Chương trình sẽ được rõ nét hơn. Ông Vinh cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương trong việc thúc đẩy NSCL tại các doanh nghiệp trên địa bàn.

 

Toàn cảnh Hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia về Năng suất chất lượng diễn ra ngày 19/12.

   Đề cập về định hướng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn tới, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, cần gắn việc thực hiện Chương trình với các yêu cầu mới của Đảng, Chính phủ về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 05-NQ/TW; Nghị quyết 52-NQ/TW; Nghị quyết 27/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP; Nghị quyết 02/NQ-CP; Nghị quyết 139/NQ-CP…).

   Cụ thể: Triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng; Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia đảm bảo năng lực hỗ trợ doanh nghiệp; Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng và tổ chức triển khai thực hiện; Truyền thông nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chất lượng… Cụ thể hơn nữa là đào tạo, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng gắn với nền tảng sẵn sàng cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Tạo lập nền tảng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong bối cảnh Cuộc CMCN 4.0. Tăng cường năng lực đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ưu tiên đối với hàng hóa xuất khẩu chủ lực.

Nguồn tcvn.gov.vn